Một trong những tin tức quan trọng nhất khiến trader đứng ngồi không yên chính là lúc Ngân hàng trung ương của 1 trong 8 quốc gia trên toàn thế giới công bố lãi suất. Không chỉ vì khi tin lãi suất ra thị trường biến động vô cùng mạnh, mà thời điểm công bố lãi suất như Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ Fed chẳng hạn thường vào lúc 1h sáng giờ Việt Nam, cũng là lúc trader đang say giấc nồng. Chính vì thế, nếu không cẩn thận, có thể sáng hôm sau tỉnh dậy tài khoản của bạn đã đi tong! Vậy lãi suất là gì? Tại sao trader phải quan tâm đến lãi suất? Phải làm gì khi tin lãi suất ra?

Nội dung

  • Lãi suất là gì?
  • Cơ quan nào được phép thay đổi lãi suất?
  • Chu kỳ kinh tế và lãi suất
  • Mối quan hệ giữa lãi suất và forex
  • Không phải lúc nào lãi suất cao cũng tốt cho doanh nghiệp
  • Phải làm gì khi tin lãi suất ra?

Lãi suất là gì?

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm gốc của người cho vay tính cho 1 ai đó khi sử dụng tiền của họ. Tiền gốc là số tiền cho vay. Ví dụ ngân hàng phải trả cho bạn một mức lãi suất tiền gửi, tức là họ đang vay số tiền đó từ bạn. Bất cứ ai cũng có thể cho vay tiền và tính lãi, nhưng chủ thể hay vay, cho vay và tính lãi nhất chính là ngân hàng.

Tỷ giá hối đoái của 1 cặp tiền tệ được xác định nhờ vào 1 số yếu tố căn bản như: lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai, nợ công… Trong số này không thể không kể đến lãi suất tiền tệ.

Thực tế, sự thay đổi lãi suất sẽ gây ra biến động lớn cho giá trị tiền tệ. Hầu hết các cuộc khủng hoảng tiền tệ lớn luôn luôn xảy ra vì sự thay đổi này. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tại sao thay đổi lãi suất lại gây ảnh hưởng lớn tới thị trường Forex đến như vậy.

Cơ quan nào được phép thay đổi lãi suất?

Chính là ngân hàng trung ương nơi có 2 nhiệm vụ chính yếu gồm: quản lý lạm phát và duy trì ổn định tỷ giá hối đoái. Lãi suất chính là thứ dùng để phản ánh sức khỏe của 1 nền kinh tế quốc gia. Các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất khi nền kinh tế tăng trưởng và giảm lãi suất trong thời kỳ suy thoái, để kích thích người dân vay tiền, nhằm “bơm” tiền cho nền kinh tế, giúp cân bằng tỷ lệ lạm phát, cho phép nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Chu kỳ kinh tế và lãi suất

Khi các nền kinh tế đang trên đà phát triển và GDP có sự tăng trưởng tích cực, người tiêu dùng bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn. Khi túi tiền của người dân trở nên “rủng rỉnh” họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Điều này sẽ kích hoạt lạm phát phát triển. Ngân hàng trung ương buộc phải tìm cách kiểm soát lạm phát sao cho không vượt quá 2%. Và 1 trong những phương án hay được dùng nhiều nhất chính là tăng lãi suất.

Nếu nền kinh tế trở nên suy thoái, GDP âm gây ra thiểu phát. Khiến nền kinh tế 1 quốc gia đứng trước các mối đe dọa mới. Lúc này, ngân hàng trung ương buộc phải hạ lãi suất tiền tệ để kích thích chi tiêu và đầu tư. Lãi suất thấp thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Họ sẽ đầu tư vào các dự án khác nhau, cuối cùng thúc đẩy tăng trưởng giúp kinh tế phát triển và lại có thể bắt đầu gây ra lạm phát.

Một chu kỳ kinh tế điển hình trông sẽ như thế này:

 

Lãi suất kỳ vọng

Thị trường không bao giờ ngủ, liên tục thay đổi dựa vào nhiều sự kiện khác nhau. Lãi suất cũng vậy luôn thay đổi theo! Phần lớn các nhà giao dịch ngoại hối không bao giờ quan tâm lãi suất hiện tại, mà họ cố gắng chỉ dự báo lãi suất trong tương lai sẽ được tăng hay giảm.

Lãi suất thay đổi cùng với chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, phụ thuộc vào sự khởi đầu và kết thúc của chu kỳ tiền tệ.

Chênh lệch lãi suất

Một kỹ thuật giao dịch ngoại hối được áp dụng rộng rãi là so sánh lãi suất một loại tiền tệ này với lãi suất một loại tiền tệ khác. Để xác định xem loại tiền này sẽ mạnh lên hay suy yếu đi.

Chênh lệch lãi suất là chênh lệch giữa lãi suất của hai loại tiền tệ, nhằm giúp bạn tìm ra các dịch chuyển tiền tệ đang lưu tâm. Đặc biệt, khi lãi suất 1 cặp tiền đi ngược chiều nhau, một loại thì tăng lên trong khi lãi suất của một loại tiền khác lại giảm đi. Điều này sẽ gây ra sóng gió cho thị trường ngoại hối. Cặp tiền tệ sẽ biến động vô cùng mạnh mẽ. Có thể chạy vài chục pip chỉ trong 1 cây nến M1!

Lãi suất danh nghĩa so với lãi suất thực

Tỷ lệ danh nghĩa thường là lãi suất cơ bản mà bạn hay nhìn thấy nhất. Về cơ bản, đó chính là lãi suất trước khi được điều chỉnh theo lạm phát.

Thị trường forex thường không quan tâm tới lãi suất danh nghĩa mà chỉ quan tâm đến lãi suất thực.

 

Mối quan hệ giữa lãi suất và forex

Dòng tiền luân chuyển vào – ra có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá hối đoái của một loại tiền tệ thuộc 1 quốc gia nào đó. Kể từ khi toàn cầu hóa diễn ra, nếu nền kinh tế của bất kỳ 1 quốc gia nào đủ tốt, thì dòng vốn nước ngoài sẽ liên tục chảy vào quốc gia đó, ngay cả khi các chính sách (chính trị) có phần hạn chế. 

Tiêu biểu trong số này chính là Trung Quốc và Ấn Độ. Không những vậy, khi nguồn tiền đã chảy vào, nhiều doanh nghiệp thích tái đầu tư lợi nhuận thu được, để tránh phải đổ thêm tiền vào. Nhờ vậy giúp tăng cường giá trị tiền tệ lên cao hơn.

Lãi suất chính là 1 trong những yếu tố tác động rất lớn đến lượng vốn chảy vào 1 quốc gia. Vì doanh nghiệp buộc phải trao đổi ngoại tệ lấy nội tệ trước khi đầu tư, nên nếu rót quá nhiều tiền vào sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn và gây tăng giá cho đồng nội tệ đó.

Không phải lúc nào lãi suất cao cũng tốt cho doanh nghiệp

Lãi suất cao, thực tế, sẽ gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp khi vay để tiến hành đầu tư, làm ăn. Tỷ lệ lãi suất mà Ngân hàng Trung ương công bố sẽ trở thành lãi suất cơ bản cho 1 nền kinh tế trong 1 thời kỳ nào đó.

Vì thế, nếu các doanh nghiệp và cá nhân phải trả một lãi suất quá cao, nhưng vẫn tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục vay. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không đủ sức trang trải lãi, sẽ không thể nào vay, buộc lãi suất phải giảm. Điều này sẽ khiến dòng vốn bị chảy ra ngoài vì các nhà đầu tư muốn tìm kiếm phương án hay các quốc gia có lãi suất tốt hơn dành cho họ. Nếu nguồn cung nội tệ tăng nhưng lại không có bất kỳ nhu cầu tương ứng nào, sẽ khiến tỷ giá hối đoái bị giảm, làm cho đồng tiền mất giá.

Do đó, việc tăng lãi suất cũng sẽ bị phản “dame” nếu ko sử dụng đúng hoặc hợp lý.

Từ những điểm trên cho thấy có một mối tương quan trực tiếp giữa lãi suất và giá trị tiền tệ của 1 nền kinh tế. Ví dụ, nếu chính phủ Trung Quốc tăng lãi suất, thì giá trị của đồng Nhân dân tệ có thể sẽ tăng cao. Do các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ xô vào quỹ của họ trong các ngân hàng Trung Quốc tạo ra nhu cầu rất lớn cho đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, lãi suất cao chỉ thúc đẩy giá trị tiền tệ cao hơn trong một thời điểm nhất định. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ khó lòng huy động vốn và ngân hàng lại buộc phải hạ lãi suất xuống.

Như vậy, có thể thấy chính lãi suất làm dịch chuyển thị trường và gây ra sự biến động của tỷ giá tiền tệ, chứ không phải tỷ giá danh nghĩa. Do đó, tỷ giá tiền tệ được công bố trong thị trường  ngoại hối Forex không chỉ phản ánh môi trường lãi suất tại bất kỳ thời điểm nào  của quốc gia đó, mà còn phản ánh khả năng thay đổi lãi suất trong tương lai.

 

Một trong 8 ngân hàng luôn khiến thị trường forex chao đảo mỗi khi công bố lãi suất

Phải làm gì khi tin lãi suất ra?

Bạn có thể theo dõi tin tức từ chính các ngân hàng trung ương. Thường ngân hàng nào cũng có những báo cáo rõ ràng về những yếu tố kinh tế liên quan tới lãi, cũng như thời điểm dự kiến mà họ muốn công bố lãi suất.

Để tìm hiểu thêm về các yếu tố kinh tế, bạn có thể sử dụng lịch kinh tế, theo dõi các sự kiện kinh tế sắp xảy ra. Đánh giá mức độ và sự tác động của chúng tới thị trường đặc biệt là các thông tin liên quan đến lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, v.v.

Nhưng cho dù bạn có nghiên cứu kỹ như thế nào đi chăng nữa, thì ngân hàng sẽ luôn có những quyết định trái ngược với suy nghĩ của bạn. Ví dụ khi bạn nghĩ ngân hàng sẽ tăng lãi suất thì họ lại giảm và ngược lại. 

Ngay khi lãi suất được công bố nếu ngân hàng trung ương tăng lãi suất, tiền tệ sẽ tăng giá – khiến các nhà giao dịch thường sẽ đặt lệnh Buy – mua vào. Nếu ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, trader sẽ có xu hướng Sell – bán ra. 

Trên đây chỉ là gợi ý theo lý thuyết thông thường, có thể sẽ không đúng trong mọi diễn biến của thị trường. Vì thế nếu là 1 trader mới vào nghề, tốt nhất bạn nên tránh thời điểm thông báo lãi suất của các ngân hàng, bằng cách xem lịch kinh tế trên Investing hoặc Forexfactory. Chúc các bạn thành công!