Nếu bạn dự định đi tìm nguồn gốc của phân tích kỹ thuật trong đầu tư forex chắc chắn kết quả cuối cùng bạn nhận được chính là lý thuyết Dow. Ra đời hơn 100 năm, không phải vô cớ mà lý thuyết Dow được xem là nền tảng của phân tích kỹ thuật trong thị trường tài chính nói chung và trong forex nói riêng. Chính vì thế, cho dù có học bất cứ trường phái phân tích kỹ thuật nào đi chăng nữa bước đầu tiên bạn phải hiểu thật kỹ lý thuyết Dow. Vậy lý thuyết Dow là gì? Tại sao chúng lại quan trọng đến như vậy?

Nội dung

  • Lịch sử hình thành lý thuyết Dow
  • Nguyên lý số 1: Thị trường phản ánh tất cả
  • Nguyên tắc thứ 2: Ba xu thế của thị trường
  • Nguyên lý thứ 3: Ba giai đoạn của xu thế chính
    • Nguyên lý 4: Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau
    • Nguyên lý 5: Khối lượng giao dịch là điều kiện xác nhận xu hướng
    • Nguyên lý 6: Xu hướng được duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều xuất hiện
  • Các lưu ý về lý thuyết Dow

Lịch sử hình thành lý thuyết Dow

Cha đẻ của lý thuyết Dow là ông Charles H. Dow, các nguyên lý cơ bản của lý thuyết này được hình thành thông qua 1 loạt các bài xã luận do ông viết đăng tải trên tờ Wall Street Journal. Những bài viết này thể hiện niềm tin của Dow về cách phản ứng của thị trường chứng khoán cũng như cách thức đo lường sức khỏe thị trường tài chính để tìm kiếm lợi nhuận.

Tới năm 1902, Charles H. Dow qua đời 1 cách đột ngột, khiến cho toàn bộ những tài liệu vẫn trong trạng thái dang dở. Nên 1 trong số các cộng sự của Dow, tiêu biểu là William P. Hamilton cũng chính là người thay ông giữ chức biên tập tờ Wall Street Journal đã tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và cho ra đời lý thuyết Dow như ngày hôm nay.

Dow tin rằng thị trường chứng khoán nói chung là thước đo đáng tin cận cho điều kiện tổng thể của 1 nền kinh tế. Và bằng cách phân tích tổng thể người ta có thể đánh giá chính xác các điều kiện đó cũng như xác định hướng xu hướng chính của thị trường và hướng phát triển của từng cổ phiếu riêng lẻ.

Để làm được vậy Dow chủ yếu dựa vào 2 chỉ số gồm: Chỉ số công nghiệp Dow Jones và Chỉ số đường sắt Dow Jones (nay là Chỉ số vận tải), được Dow biên soạn đăng tải trên Wall Street Journal. Ông cho rằng chúng có thể phản ánh chính xác các điều kiện kinh doanh vì chúng bao gồm hai phân khúc kinh tế chính: công nghiệp và đường sắt (vận tải). Dù các chỉ số này đã thay đổi trong suốt 100 năm qua, nhưng lý thuyết vẫn áp dụng và trở thành 1 trong những lý thuyết cơ bản nhất cho giao dịch ngoại hối forex cũng như cho thị trường tài chính hiện đại.

Toàn bộ lý thuyết phân tích kỹ thuật mà chúng ta biết tới như ngày hôm nay đều bắt nguồn từ lý thuyết Dow. Vì thế, nếu muốn hiểu rõ phân tích kỹ thuật trong forex bạn cần biết 6 nguyên lý cơ bản của thuyết Dow.

6 NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA LÝ THUYẾT DOW

Hãy cố gắng hiểu và nắm kỹ nguyên lý số 2 và số 3 lý thuyết Dow, các bạn nhé.

Nguyên lý số 1: Thị trường phản ánh tất cả

Tiền đề cơ bản đầu tiên của lý thuyết Dow cho thấy tất cả thông tin – từ quá khứ, hiện tại, thậm chí là tương lai – đều gây ảnh hưởng tới thị trường, được phản ánh trong giá của cổ phiếu và chỉ số.

Thông tin mà Dow nói tới đây bao gồm tất cả mọi thứ từ cảm xúc nhà đầu tư cho đến lạm phát, dữ liệu lãi suất… Điều duy nhất bị loại trừ là các thông tin không thể biết trước như động đất, sóng thần hay khủng bố… Tuy nhiên, ngay sau đó những rủi ro của sự kiện này cũng được định giá vào thị trường.

Cần lưu ý, theo Dow, thông tin không giúp nhà giao dịch hoặc chính bản thận thị trường biết được tất cả mọi thứ, mà chỉ dùng để dự đoán các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Ngay cả các yếu tố – đã xảy ra, sắp xảy ra và có thể xảy ra – sẽ được định giá vào thị trường. Khi mọi thứ thay đổi, thị trường buộc phải điều chỉnh cùng với giá cả để phản ánh theo những thông tin thay đổi đó. Ý tưởng này cũng từng xuất hiện trong công trình của Eugene Fama ra đời năm 1960, có tên gọi giả thuyết thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, lý thuyết Dow khác biệt ở chỗ nó được sử dụng để dự đoán xu hướng trong tương lai.

Không những vậy, thị trường phản ánh tất cả mọi thứ, thực tế không phải là điều mới mẻ với  nhà giao dịch, vì chúng luôn được sử dụng trong lĩnh vực tài chính. Rất nhiều trader chỉ cần nhìn vào biến động giá, mà không cần nhìn vào các yếu tố khác như chỉ báo chẳng hạn cũng có thể xác định được xu thế thị trường.

Giống như phân tích kỹ thuật chính thống, lý thuyết Dow chủ yếu tập trung vào giá cả. Tuy nhiên, khác ở chỗ lý thuyết Dow liên quan đến biến động toàn bộ thị trường hơn là chỉ thu hẹp trong thị trường chứng khoán.

Ví dụ, người theo lý thuyết Dow sẽ xem xét biến động giá theo các chỉ báo nằm trong xu hướng chính. Một khi họ có ý tưởng về xu hướng trên thị trường, họ sẽ đưa ra quyết định đầu tư. Nếu xu thế chính là xu hướng tăng, thì nhà đầu tư sẽ mua giao dịch cổ phiếu riêng lẻ với mức định giá hợp lý.

Nguyên tắc thứ 2: Ba xu thế của thị trường

Trước khi đi vào chi tiết cụ thể phân tích xu thế trong lý thuyết Dow, chúng ta cần hiểu rõ xu thế là gì. Và mặc dù thị trường khi có xu thế luôn di chuyển theo hướng nhất định, nhưng nó không bao giờ đi theo một đường thẳng. Mà sẽ tăng tới 1 mức nào đó tạo thành đỉnh xu hướng, rồi sau đó sẽ giảm dần tạo thành đáy của 1 xu hướng. Tất nhiên dù có tăng hay giảm chúng vẫn sẽ di chuyển theo 1 hướng nhất định.

Theo Dow, ba xu thế của thị trường gồm: xu thế chính (xu thế cấp 1), xu thế phụ (xu thế cấp 2) và xu thế nhỏ.

Xu thế chính xu thế cấp 1 trong lý thuyết Dow

Xu thế cấp 1 gồm cả 2 dạng là xu thế tăng và xu thế giảm. Về bản chất xu thế cấp 2 chính là đà ngăn cản sự phát triển của xu thế cấp 1.

Ví dụ khi cả thế giới đang trên đà phát triển thì đại dịch Covid bất ngờ ập tới, khiến cho mọi thứ rơi vào trạng thái đóng băng, trì trệ, kéo tụt nền kinh tế đi xuống.

Nhìn vào minh hoạ phía trên, ở phần mũi tên bên trái màu đỏ tượng trưng cho xu thế cấp 1 đang là xu thế tăng, thì cứ sau 1 đà tăng lại có 1 đà giảm, để kéo thụt lùi hay ngăn chặn không cho đà tăng đó tiếp tục. Và “kẻ phá bĩnh” chuyên làm rối loạn mọi thứ, ngăn chặn đà tăng phát triển, đó được xem là xu thế cấp 2.

Tương tự, các đường màu đỏ chúng tôi kẻ bên phải, trong 1 xu thế giảm có thể thấy cứ sau đà giảm sẽ xuất hiện các đà tăng, và đây cũng được xem là xu thế cấp 2, ngăn chặn đà giảm giá tiếp tục tiếp diễn.

Vì thế, điểm mấu chốt ở đây, XU THẾ CẤP 1 (XU THẾ TĂNG) CHỈ ĐƯỢC TIẾP DIỄN khi và chỉ khi phải luôn tạo ra các ĐỈNH CAO HƠN  và ĐÁY CAO HƠN. Hay đỉnh sau phải cao hơn đỉnh trước và đáy sau sẽ phải cao hơn đáy trước giống như các bậc thang vậy.

Xu thế cấp 1 (xu thế chính) là xu thế tăng sẽ tạo các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn.

Như ví dụ dưới đây, vàng đã liên tiếp tạo ra các đỉnh cao hơn, và đáy cao hơn, thậm thị vàng cũng từng giảm điều chỉnh, nhưng các bạn thấy vùng giảm điều chỉnh này vẫn ngang bằng với đáy ở phía trước chứ không hể thấp hơn. Và sau đó vàng đã có 1 nhịp tăng rất mạnh, rồi sau đó vàng lại tiếp tục điều chỉnh giảm, nhưng lại không thể nào tạo ra đáy thấp hơn, nên đây có thể xem như là 1 cuộc lấy đà, để tiếp tục tăng.

Trong khi đó, nếu xu thế cấp 1 là xu thế giảm đồng nghĩa sẽ tạo ra các đỉnh thấp hơn và các đáy thấp hơn:

Xu thế chính là xu thế giảm sẽ tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.

Nhìn vào ví dụ về cặp tiền EURUSD như bạn thấy trong suốt năm 2019 đã liên tiếp tạo ra các đỉnh thấp hơn và các đáy thấp hơn, nên EURUSD giảm rất mạnh.

Rất nhiều lần sau đà giảm, EURUSD đã phục hồi tăng lên, tuy nhiên EURUSD lại không tạo ra được các đỉnh cao hơn, nên sau đà hồi, EURUSD giảm sâu rất mạnh.

Thời gian hình thành của 1 xu thế

Theo lý thuyết Dow, xu thế chính là xu hướng lớn nhất có thể kéo dài hàng năm. Trong khi đó, xu thế phụ có thể chỉ kéo dài ba tuần đến ba tháng và thường luôn ngược lại với xu hướng chính. Cuối cùng, xu thế nhỏ thường kéo dài dưới ba tuần và có liên quan đến các chuyển động giá trong xu thế phụ.

Một điểm lưu ý, cho dù xu thế chính có kéo dài đến bao lâu đi chăng nữa thì chúng vẫn có tác dụng cho đến khi có 1 xu hướng đảo chiều xuất hiện.

Cũng theo Dow, xu thế cấp 1 sẽ là xu thế quan trọng nhất để xác định thị trường, đồng thời gây ảnh hưởng lớn lao tới sự biến động về mặt giá cả cũng như tác động đến xu thế cấp 2 và xu thế nhỏ.

Nên, các bạn phải giao dịch theo đúng xu hướng, nếu thị trường đang trong xu thế tăng thì chỉ nên ưu tiên thực hiện lệnh BUY, ngược lại nếu thị trường đang trong xu thế giảm, hãy chủ yếu thực hiện lệnh SELL. Đừng bao giờ chống lại xu hướng của thị trường, bạn nhé!

Xu thế phụ – xu thế cấp 2

Đây được xem là giai đoạn “lấy đà”, truyền công lực để cho xu thế cấp 1 được tiếp diễn. Ngoài ra, xu thế phụ luôn đi ngược với xu thế chính. 

Nếu xu thế chính đang là xu thế tăng thì xu thế phụ sẽ là các đoạn điều chỉnh giảm. Ngược lại, nếu xu thế chính là xu thế giảm thì các giai đoạn điều chỉnh chính là giá phục hồi để sau đó giá tiếp tục giảm tiếp.

Xu thế cấp 3- xu thế nhỏ

Xu thế nhỏ, theo lý thuyết Dow không kéo dài quá 3 tuần, dùng để điều chỉnh hoặc có những biến động giá đi ngược lại với xu hướng 2.

Do tính chất ngắn hạn nên xu thế nhỏ không phải là mối quan tâm lớn đối với nhà giao dịch. Nhưng điều này không có nghĩa là bỏ qua chúng hoàn toàn; xu thế nhỏ vẫn phải được theo dõi vì những biến động giá ngắn hạn này cũng là một phần nằm trong xu hướng chính và phụ.

Hầu hết trader đều chỉ tập trung giao dịch theo xu hướng cấp 1, các xu hướng còn lại thường không rõ ràng hay bị nhiễu. Nếu quá tập trung vào các xu hướng nhỏ, nó có thể dẫn đến sai lầm, các nhà giao dịch bị phân tâm bởi biến động ngắn hạn và mất tầm nhìn tổng quát cho bức tranh thị trường lớn hơn.

Nguyên lý thứ 3: Ba giai đoạn của xu thế chính

Vì xu thế 1 là xu thế quan trọng nhất. Nên trong phần này chúng tôi sẽ nói kỹ về các giai đoạn của 1 xu thế chính (xu thế tăng- xu thế giảm) được hình thành như thế nào.

Với xu thế cấp 1 là xu thế tăng sẽ có 3 giai đoạn chính gồm: giai đoạn tích lũy (giai đoạn phân phối), giai đoạn bùng nổgiai đoạn quá độ.

Ngược lại, 3 xu hướng của thị trường giảm sẽ là giai đoạn phân phối, giai đoạn giảm mạnh và giai đoạn tuyệt vọng (panic phase).

XU HƯỚNG TĂNG CHÍNH (THỊ TRƯỜNG BÒ)

GIAI ĐOẠN TÍCH LŨY

Đây là giai đoạn ngắn hạn, nằm ở đầu tiên của 1 thị trường tăng và cũng là thời điểm rất ít các nhà giao dịch tham gia vào thị trường.

Giai đoạn tích lũy thường nằm ở cuối xu thế giảm, khi mọi thứ dường như đang trong thời kỳ tồi tệ nhất. Nhưng đây cũng là lúc giá của thị trường cực kỳ hấp dẫn vì vào thời điểm này, hầu hết các tin tức xấu đều đã tung ra, áp lực bán tan biến gần như không thể giảm thêm được nữa, nên sẽ không có rủi ro về việc giá giảm. Tuy nhiên, giai đoạn tích lũy cũng là giai đoạn khó phát hiện nhất, nhà giao dịch khó lòng nhận biết được xu thế giảm đã thực sự kết thúc hay vẫn còn tiếp tục.

GIAI ĐOẠN BÙNG NỔ

Khi các nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn tích lũy càng ngày càng nhiều, tức là họ bắt đầu tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua và sự phục hồi đang tới.

Khi điều này trở thành hiện thực, tâm lý tiêu cực bắt đầu tan biến, điều kiện kinh doanh được đánh dấu bằng tăng trưởng thu nhập và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ – được cải thiện. Lúc này, các tin tức lạc quan bắt đầu được tung ra, kéo nhiều nhà đầu tư quay trở lại, đẩy giá càng ngày càng tăng cao hơn.

Giai đoạn này không chỉ kéo dài nhất, mà còn là giai đoạn có biến động giá lớn nhất. Đó cũng là giai đoạn mà hầu hết các nhà giao dịch kỹ thuật và xu hướng bắt đầu nắm giữ các vị thế dài hạn và thu lợi nhuận.

GIAI ĐOẠN QUÁ ĐỘ

Khi thị trường tăng quá mạnh, phe mua bắt đầu trở nên yếu thế, lúc này sẽ chuyển sang giai đoạn quá độ – giai đoạn cuối cùng trong xu hướng tăng, cũng là giai đoạn mà nhiều nhà đầu cơ tích lũy bắt đầu tìm cách thu hẹp vị thế, bán chúng cho những người tham gia vào thị trường. Tại thời điểm này thị trường, theo Alan Greenspan chính là một “sự phấn khích phi lý”.

Đây cũng là giai đoạn mà người mua cuối cùng bắt đầu tham gia thị trường – sau khi đạt được lợi nhuận lớn. Giống như các con cừu dùng để giết thịt, những người tham gia muộn hy vọng rằng lợi nhuận vẫn sẽ tiếp tục sau khi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trước đó. Nhưng thật không may, họ đang”đu đỉnh” và cơ hội để thoát “hàng” thực sự khá mong manh.

Trong giai đoạn này, có rất nhiều dấu hiệu thể hiện sức mua giảm hay xu hướng đang dần trở nên yếu đi. Và cũng là dấu hiệu cho thấy xu thế trên đang nằm ở điểm bắt đầu cho một xu hướng giảm chính.

XU HƯỚNG GIẢM CHÍNH (THỊ TRƯỜNG GẤU)

GIAI ĐOẠN PHÂN PHỐI

Giai đoạn đầu tiên trong thị trường gấu được gọi là giai đoạn phân phối. Đây cũng chính là giai đoạn nằm tiếp ngay sau giai đoạn quá độ của xu thế cấp 1.  Là lúc mà “cá mập” xả hàng!

 Giai đoạn này trái ngược với giai đoạn tích lũy trong thị trường tăng ở chỗ, rất nhiều trader tin rằng giá sẽ tiếp tục, tiếp tục đẩy lên cao hơn nữa, kéo theo nhiều trader rất lạc quan về thị trường, kỳ vọng giá sẽ bay lên “mặt trăng”. Đây cũng là giai đoạn mà các nhà đầu tư cuối cùng trên thị trường tiếp tục mua. Và tất nhiên họ không biết rằng họ đang thực sự đu đỉnh rồi.

Bạn cũng thấy rằng dường như lúc này giá cả không thể nào tạo các định cao hơn và đáy cao hơn. Thay vào đó, dần dần tạo ra các đỉnh thấp hơn, đáy thấp hơn.

GIAI ĐOẠN GIẢM MẠNH

 Đây là giai đoạn mà giá bắt đầu lao dốc ào ào và ầm ầm!

Cũng tương tự như thị trường bò, thay vì liến tiếp tạo ra các đỉnh cao hơn hoặc đáy cao hơn để xác nhận 1 xu thế tăng, thì vào giai đoạn giảm mạnh sẽ chỉ tạo ra các đỉnh thấp hơn và đáy thấp hơn.

Lúc này, điều kiện kinh doanh vô cùng tồi tệ, đồng loạt các tin xấu nhất được tung ra, giống như cú đòn giáng trực tiếp vào nhà đầu tư. Khiến họ rơi vào trạng thái hoang mang cực độ làm cho áp lực bán tháo xuất hiện, khiến cho giá càng ngày càng giảm mạnh.

GIAI ĐOẠN TUYỆT VỌNG

Giai đoạn cuối cùng của thị trường giảm cũng là giai đoạn khởi đầu cho 1 xu thế tăng chuẩn bị được hình thành.

Đây cũng là giai đoạn chứa đầy sự hoảng loạn và rất dễ dẫn đến việc bán tháo (panic sell).

Trong giai đoạn này,  thị trường chỉ toàn màu xám xịt, nhà giao dịch có tâm lý tiêu cực với những hy vọng mong manh về  công ty, nền kinh tế và thị trường nói chung. Do đó, họ gần như không quan tâm đến giá cả, chỉ mong sao thoát được hàng càng sớm càng tốt. 

Nhưng khi mọi thứ (có vẻ) tồi tệ nhất đang diễn ra lại chính là lúc giai đoạn tích lũy của một xu hướng tăng chuẩn bị bắt đầu.

Và cứ như thế chu kỳ được lặp lại liên tục, qua năm này tới năm khác, qua thế kỷ này tới thế kỷ khác.

Nguyên lý 4: Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau

Trong lý thuyết Dow, việc đảo chiều từ thị trường bò (thị trường tăng) sang thị trường gấu (thị trường giảm) không thế nào được xác nhận nếu không có sự xác nhận từ 2 chỉ số (theo truyền thống là Chỉ số trung bình công nghiệp và đường sắt).

Điều này có nghĩa là các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số này phải khớp hoặc tương ứng với các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số khác.

Ví dụ: nếu chỉ số như Trung bình công nghiệp Dow Jones xác nhận 1 xu hướng giá tăng mới, nhưng chỉ số Trung bình vận tải Dow Jones vẫn nằm trong xu hướng giá giảm, như vậy không thể nào xác nhận được xu thể tăng có thể xảy ra.

Nguyên lý 5: Khối lượng giao dịch là điều kiện xác nhận xu hướng

Theo lý thuyết của Dow, các tín hiệu để mua và bán dựa trên biến động giá. Chính vì thế, khối lượng cũng được sử dụng như một chỉ báo để giúp xác nhận những gì thị trường đang gợi ý cho nhà giao dịch.

Từ nguyên lý này cho thấy, trong 1 xu hướng giá tăng khối lượng sẽ tăng theo khi giá di chuyển theo đúng xu hướng và giảm khi giá di chuyển theo hướng ngược lại. Ví dụ, trong một xu hướng tăng, khối lượng sẽ tăng khi giá tăng và giảm khi giá giảm.

Như vậy trong trường hợp khối lượng chạy ngược với xu hướng (giá tăng nhưng khối lượng giảm, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng) đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong xu hướng hiện tại và có thể sẽ có sự đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.

Nguyên lý 6: Xu hướng được duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều xuất hiện

Việc xác định xu hướng là để cho chúng ta không giao dịch ngược hoặc chống lại xu hướng. Theo lý thuyết Dow, nguyên lý thứ sáu cũng là nguyên lý cuối cùng này tin rằng một xu hướng vẫn có hiệu lực cho đến khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nó đã bị đảo chiều.

Nhà giao dịch cần kiên nhẫn chờ đợi 1 bức tranh rõ ràng về việc đảo ngược xu hướng bởi vì như ở nguyên lý thứ 2 chúng ta biết rằng thị trường sẽ có nhiều xu hướng nhỏ (minor), xu hướng thứ cấp nên rất dễ gây nhầm lẫn đó thực sự là xu hướng chính hay chỉ là sự điều chỉnh xu hướng.

Các lưu ý về lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow vẫn có 1 số hạn chế nhất định như nó khá trễ và không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn nhất là với những giao dịch ngắn hạn, do sự ảnh hưởng của tâm lý đám đông cùng sự phát triển của internet. Hơn nữa, thị trường giao dịch hiện tại theo các khung phút và giây chứ không giao dịch theo ngày như thị trường chứng khoán trước đó, vì lẽ đó thị trường sẽ bị nhiễu nhiều hơn thông tin sẽ kém chính xác hơn.

Tuy nhiên, lý thuyết Dow thực sự rất quan trọng nếu bạn muốn trở thành 1 nhà giao dịch ngoại hối thành công. Việc đọc và hiểu toàn bộ nguyên lý sẽ giúp bạn hiểu thêm các chỉ báo phân tích kỹ thuật trong thị trường tài chính nói chung và forex nói riêng.